Tháo nút thắt hạ tầng, mở đường cho kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long phát triển
Sau quá trình sáp nhập, Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại sẽ gồm 5 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp và Vĩnh Long – tất cả đều có đường bờ biển, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế biển gắn với hội nhập quốc tế.
Thế mạnh mới của ĐBSCL: Du lịch biển và nuôi trồng thủy sản
Với đường bờ biển dài hơn 700km, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản biển. Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2024 sản lượng thủy sản cả nước đạt 9,6 triệu tấn, trong đó riêng nuôi biển đóng góp 5,8 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,7 tỷ USD và dự kiến sẽ cán mốc 11 tỷ USD trong năm 2025.
Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới về sản lượng thủy sản nuôi trồng và đứng thứ ba về xuất khẩu. Trong đó,vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Đặc biệt, khu vực này cung ứng đến 85% sản lượng tôm và 71% sản lượng cá nuôi của cả nước.
Ở lĩnh vực du lịch biển, tỉnh An Giang (hợp nhất từ An Giang và Kiên Giang cũ) cùng đặc khu Phú Quốc nổi lên như những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của vùng. Năm 2024, Phú Quốc đón gần 6 triệu lượt khách, và đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách trong năm 2025 – tăng trưởng khoảng 17%.
Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển kinh tế biển – động lực mới cho Đồng bằng sông Cửu Long", ông Phạm Đức Huy – Phó Tổng giám đốc Sun Group miền Nam – nhấn mạnh Phú Quốc được đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Chính sách miễn visa 30 ngày và điều kiện khí hậu ôn hòa (trung bình 200 ngày nắng/năm) đang giúp Phú Quốc khẳng định vị thế điểm đến du lịch biển hàng đầu khu vực.
Điểm yếu cản bước kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long
Dù có tiềm năng lớn, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long qua các cảng biển trong vùng vẫn còn rất hạn chế. Hiện chỉ khoảng 10% trong tổng số hơn 21 triệu tấn hàng hóa mỗi năm được xuất khẩu trực tiếp từ Đồng bằng sông Cửu Long; phần còn lại vẫn phải trung chuyển lên Tp. Hồ Chí Minh, khiến chi phí logistics tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương.
Theo bà Hà Thị Ngọc Oanh – Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng (đặc biệt là với Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ) đang mở ra cơ hội mới để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển dịch vụ logistics và cảng biển.
Trong đó, cảng biển Trần Đề (tại thành phố Cần Thơ – tỉnh Sóc Trăng cũ) được quy hoạch là cảng biển quốc tế trọng điểm của vùng. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa và triển khai nhanh dự án này là điều kiện tiên quyết để giải phóng tiềm năng xuất khẩu hàng hóa trực tiếp ra thế giới từ Đồng bằng sông Cửu Long. Song song đó, việc đầu tư vào hệ thống logistics nội vùng, đặc biệt là các trung tâm gom hàng và trung chuyển, cũng là yếu tố then chốt để hình thành chuỗi cung ứng hiện đại cho toàn vùng.
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
Vốn đầu tư từ Trung ương là một động lực lớn. Trong giai đoạn 2021–2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ hơn 86.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng đầu tư cho cao tốc chiếm 20% tổng vốn cả nước để tạo đà phát triển hạ tầng toàn diện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế biển bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhiều hơn sự phối hợp giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Các mô hình thành công như cảng quốc tế hay khu logistics tại các tỉnh phía Nam đều có sự góp vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp đầu tư của tư nhân.
Ông Đặng Quốc Bảo – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam – đề xuất khai thác điện mặt trời phục vụ nuôi biển, bởi chi phí thấp và phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Ở góc độ phát triển du lịch, ông Huy (Sun Group) khuyến nghị sớm mở rộng sân bay Phú Quốc. Hiện sân bay này đã vượt công suất thiết kế 4 triệu khách/năm, trong khi thực tế năm 2024 đã đón 5,5 triệu lượt khách và năm 2025 dự kiến chạm mốc 7 triệu.
Về quản lý nuôi trồng thủy sản, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh cần hoàn thiện quy định giao mặt nước để tránh tình trạng nuôi tự phát, giảm rủi ro cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch là giải pháp tăng giá trị sản phẩm: “Bắt ít nhưng giá trị cao, còn hơn bắt nhiều mà giá trị thấp”, ông nói.
Còn về góc nhìn phát triển bền vững, PGS-TS Nguyễn Nguyên Minh (Tổ chức CSIRO – Úc) cảnh báo cần có quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế biển nhưng vẫn bảo đảm môi trường và hệ sinh thái biển không bị tổn hại.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online
Tin nổi bật

Tháo nút thắt hạ tầng, mở đường cho kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long phát triển
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thời cơ vàng để bứt phá với kinh tế biển. Tuy nhiên, để ba mũi nhọn gồm du lịch, nuôi trồng thủy sản và cảng biển phát triển bền vững, khu vực này cần được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và logistics.

Việt Nam đứng trước cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng lạnh
Trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ và vận chuyển hàng hóa cần bảo quản nhiệt độ ngày càng tăng cao, chuỗi cung ứng lạnh đang nổi lên như một mắt xích chiến lược không thể thiếu đối với ngành logistics Việt Nam. Không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm chất lượng hàng hóa, chuỗi cung ứng lạnh còn tạo lực đẩy mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp chế biến, nông sản, thực phẩm và dược phẩm – những lĩnh vực chủ chốt trong cơ cấu xuất khẩu của quốc gia.

Đâu là các bước đi chiến lược giúp Tp. Hồ Chí Minh mới định hình vai trò thủ phủ công nghiệp – logistics?
Việc hợp nhất Tp. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong định hướng phát triển vùng đô thị phía Nam, mà còn mở ra tiềm năng hình thành một siêu đô thị đa trung tâm với định vị là thủ phủ công nghiệp – logistics mới của khu vực. Tuy nhiên, đi cùng với kỳ vọng đó là những bài toán lớn về quy hoạch, quản trị và hạ tầng liên vùng cần được giải quyết đồng bộ.
.jpg)
Căng thẳng thương mại đã tác động đến chuỗi cung ứng châu Á như thế nào?
Từ khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đã trải qua nhiều biến động lớn. Những thay đổi này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics.