Hải Phòng dần khẳng định vị thế trung tâm logistics quan trọng bậc nhất của cả nước
Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực hội nhập và cam kết cải thiện môi trường đầu tư của thành phố trong những năm qua. Ông nhấn mạnh: “Hải Phòng đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng kinh tế, công nghiệp và logistics không chỉ của khu vực phía Bắc mà còn trên cả nước.”
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 786 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Trong đó, Hải Phòng giữ vai trò then chốt khi là cửa ngõ xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, góp phần không nhỏ trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu liên tục biến động, Chủ tịch nước nhấn mạnh năng lực thích ứng và khả năng kiến tạo là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Hải Phòng được xem là địa phương hội tụ đủ các yếu tố này nhờ vào hệ sinh thái cảng biển, công nghiệp và các đô thị thông minh đang hình thành. Các dự án trọng điểm tại thành phố đang góp phần nâng cao năng lực thông quan, tạo ra hàng chục nghìn việc làm và củng cố vai trò Hải Phòng như một cực tăng trưởng chiến lược của cả nước.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép thí điểm khu thương mại tự do đầu tiên tại miền Bắc chính là “đường băng thể chế” để Hải Phòng bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế sáng tạo, năng động hàng đầu trong khu vực. Chủ tịch nước cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội đầu tư mà cùng chung tay kiến tạo giá trị, lan tỏa tri thức, góp phần xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, bao trùm và kiên cường.
Tại hội nghị, Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng giá trị hơn 15,5 tỷ USD. Nhiều dự án lớn đã được cam kết như phát triển hạ tầng công nghiệp tại Tân Trào, Ngũ Phúc, Thủy Nguyên, Trấn Dương - Hòa Bình, cụm dự án cảng Lạch Huyện (bến số 9 đến 12), các dự án FDI về công nghệ cao và tăng trưởng xanh.
Tuần lễ Hội nghị ABAC 3 năm nay đã thu hút hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước, bao gồm lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC. Các đoàn doanh nghiệp quốc tế cũng đã trực tiếp khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp và cảng biển trọng điểm của Hải Phòng.
Đại diện các nhà đầu tư quốc tế như Tập đoàn Trakmotive (Mỹ), các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, châu Âu... đều bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Hải Phòng trong thời gian tới. Chính quyền thành phố khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng mô hình chính quyền kiến tạo, lấy sự thuận tiện và hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo, từ đó tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nguồn: VnExpress
Tin nổi bật

Hải Phòng dần khẳng định vị thế trung tâm logistics quan trọng bậc nhất của cả nước
Trong phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng 2025, diễn ra ngày 15/7 trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị ABAC 3, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định vị thế chiến lược của thành phố Hải Phòng khi đang dần trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp và logistics quan trọng bậc nhất cả nước.

Doanh nghiệp Việt buộc phải chuyển đổi xanh để thích ứng và tồn tại
Logistics xanh không còn là mục tiêu dài hạn mà đã trở thành yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.

Đa dạng hóa nguồn cung ứng toàn cầu là giải pháp tạm thời hay dài hạn?
Chỉ một đợt dịch bệnh, một cuộc xung đột địa chính trị hay một cú sốc chính sách cũng đủ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, việc phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất ngày càng bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tháo nút thắt hạ tầng, mở đường cho kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long phát triển
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thời cơ vàng để bứt phá với kinh tế biển. Tuy nhiên, để ba mũi nhọn gồm du lịch, nuôi trồng thủy sản và cảng biển phát triển bền vững, khu vực này cần được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và logistics.